Bước đột phá về giao thông ở Hưng Yên

Thứ 5, 24.01.2019 | 14:02:19

Cầu Hưng Hà và giai đoạn một tuyến đường bộ huyết mạch nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành, tạo sự kết nối, liên thông tương đối hoàn chỉnh giữa hệ thống đường bộ trong tỉnh Hưng Yên với các tuyến đường trong khu vực và quốc gia, tạo nên sự bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hưng Yên.

Bước đột phá về giao thông ở Hưng Yên

Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công dự án cầu Hưng Hà và đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Quyết tâm xây dựng tuyến đường huyết mạchÐi trên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài hơn 28,2 km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đi qua các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Ðộng, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hưng Yên Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu: Ðây là tuyến đường bộ quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ (QL) 38, QL 38B, QL39, QL 5, đường vành đai 5… nhằm nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, góp phần giảm tình trạng quá tải lưu lượng xe qua QL 39, QL 5, QL 1 và cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, tạo sự thông suốt với Hải Phòng, Quảng Ninh và sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Ðồn; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình.

Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, giáp Thủ đô Hà Nội, có mạng lưới giao thông đường bộ khá thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ; có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 27 km và bốn tuyến quốc lộ (QL 5, QL 39, QL 38, QL 38B) có tổng chiều dài 104 km. Hệ thống tỉnh lộ dài hơn 390 km, đường đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng. Hệ thống đường giao thông liên huyện có tổng chiều dài hơn 433 km; trong đó có 303 km đường nhựa, 115 km đường bê-tông xi-măng và hơn 14 km đường cấp phối… Sự phát triển của mạng lưới giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, thu hút đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên tăng trưởng ở mức khá cao (khoảng 9%/năm) trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, mạng lưới giao thông của tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục được quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, mở rộng mới đáp ứng được công cuộc CNH, HÐH nền kinh tế. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định; huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là giao thông là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Do vậy, ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai việc nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Ðây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, làm căn cứ để hoạch định đầu tư phát triển giao thông vận tải, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; thực hiện các chương trình mục tiêu bảo đảm an ninh - quốc phòng; là cơ sở để tỉnh chỉ đạo phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, toàn diện, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ðược sự quan tâm của Trung ương, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng triển khai thi công, đưa vào khai thác nhiều dự án, như: cải tạo, nâng cấp QL 38 (dự án VRAMP), cầu Hưng Hà; về thực hiện dự án thay thế cầu yếu: đã xây dựng cầu Lực Ðiền trên QL 39; cầu Tràng, cầu Cáp trên QL 38B; đường trục (ÐT) 386, ÐT 382, đường trục kinh tế bắc - nam, xây dựng bốn cầu thay thế cầu yếu trên hệ thống đường tỉnh; triển khai công tác lập dự án đầu tư tuyến đường nối đường vành đai V Thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường ÐT 387... Ðiểm nhấn đột phá trong xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ ở tỉnh Hưng Yên là thực hiện dự án đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án cầu Hưng Hà.

Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.Dự án đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có điểm đầu tại nút giao giữa QL 39 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; điểm cuối là nút giao Liêm Tuyền, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chiều dài 24,9 km có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là hơn 1.077 tỷ đồng), nguồn vốn đầu tư do địa phương ứng trước và vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Xác định đây là con đường huyết mạch kết nối nhiều tuyến giao thông quan trọng, tỉnh Hưng Yên đã đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành dự án. Các địa phương có tuyến đường đi qua cũng đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ của địa phương. Mặc dù việc cấp vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện dự án còn khó khăn (chưa có), nhưng với quyết tâm cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong thời gian ngắn, tỉnh Hưng Yên đã bố trí gần 600 tỷ đồng (vốn địa phương) để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; hơn 3.500 hộ dân đồng lòng dành gần 130 ha đất canh tác, đất ở cho việc xây dựng đường và cầu. Nhà thầu đã tích cực chủ động ứng vốn thi công, tập trung máy móc trang thiết bị và nhân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Hưng Yên. Ðến nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 trước thời hạn gần một năm. Cùng với đó, dự án cầu Hưng Hà có tổng chiều dài 7,31 km, phần đường trên cầu đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng; điểm đầu thuộc xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên và điểm cuối tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã được hoàn thành tạo nên sự liên thông, phát huy hiệu quả của hệ thống đường bộ được kết nối bởi tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Phát huy hiệu quả, tạo sự phát triển đột phá về thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết: Việc hoàn thành dự án đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 và dự án cầu Hưng Hà có sức lan tỏa, tạo sự phát triển đột phá về kinh tế, xã hội ở tỉnh Hưng Yên trong những năm tới do những thuận lợi của tuyến đường này mang lại: với nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với đường nối hai đường cao tốc; thời gian di chuyển từ các thành phố lớn, cảng biển, sân bay ở khu vực miền bắc về Hưng Yên giảm đi rất nhiều. Từ Thủ đô Hà Nội về thành phố Hưng Yên chỉ còn một giờ, sẽ tạo điều kiện cho việc thu hút nhiều trường đại học, cao đẳng, giáo viên, sinh viên về Khu đô thị đại học Phố Hiến mở trường, học tập; giúp cho thành phố Hưng Yên phát triển dịch vụ, thương mại. Tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch khu đô thị - công nghiệp rộng 3.000 ha thuộc các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, Khoái Châu nằm dọc tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, gần nút giao, điểm đầu Lý Thường Kiệt. Khu đô thị - công nghiệp này đang được các nhà đầu tư lớn trong nước và ngoài nước quan tâm, đăng ký đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc…; mở ra tiềm năng mới cho thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh Hưng Yên, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách… Ðồng thời, dọc hai bên đường nối giữa hai đường cao tốc hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi hàng hóa của tỉnh. Ðây chính là tiền đề để tạo đột phá về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại ở tỉnh Hưng Yên.

Ðồng thời, để tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông, tỉnh Hưng Yên tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 với quy mô đường cấp II đồng bằng; triển khai xây dựng tuyến đường vành đai 4, vành đai 3,5; đẩy nhanh tiến độ thi công đường ÐT 386 và cầu La Tiến; cải tạo nâng cấp QL 39 từ nút giao Lý Thường Kiệt đến QL 5 nối vào trục bắc nam của tỉnh Hưng Yên. Xây dựng hoàn thành các tuyến đường quan trọng của tỉnh như; đường trục kinh tế bắc - nam; cải tạo, nâng cấp đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội (ÐT 379), đường ÐT 378 đoạn đê sông Luộc... Phấn đấu tất cả các tuyến đường huyện được cứng hóa có lớp mặt nhựa, bê-tông xi-măng; đường giao thông nông thôn có tất cả đường xã được cứng hóa có lớp mặt nhựa, bê-tông xi-măng; tất cả đường thôn, xóm, đường nội đồng được cứng hóa; và 100% số xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục

  • Khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

    Khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

     12 giờ trước

  • Người đảng viên 6 lần được gặp Bác Hồ

    Người đảng viên 6 lần được gặp Bác Hồ

     13 giờ trước

  • Thị xã Mỹ Hào triển khai, hoàn thiện các tiêu chí đô thị

    Thị xã Mỹ Hào triển khai, hoàn thiện các tiêu chí đô thị

     13 giờ trước

  • Khu công nghiệp Yên Mỹ - Điểm sáng thu hút đầu tư

    Khu công nghiệp Yên Mỹ - Điểm sáng thu hút đầu tư

     13 giờ trước

  • Sẵn sàng cấp điện mùa nắng nóng

    Sẵn sàng cấp điện mùa nắng nóng

     23 giờ trước