Những được mất từ xuất khẩu lao động ở Minh Tân

Chủ nhật, 21.01.2018 | 17:44:12

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã Minh Tân huyện Phù Cừ đạt hơn 51 triệu đồng/người. Đây là mức thu nhập khá cao, dù trên địa bàn xã không có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Có được kết quả đó, chủ yếu do người dân tích cực chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi và có nguồn thu cao và rất ổn định nhờ xuất khẩu lao động. 

Làm giầu từ xuất khẩu lao động

Ở xã Minh Tân, mọi người đều biết đến gia đình anh Tuyến, người cách đây hơn 20 năm đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Sau đó, nhờ bản tính thật thà và có tay nghề giỏi, nên anh được chủ người Hàn Quốc rất tin cậy, nhờ giới thiệu cho người khác sang làm cùng. Thế là anh đã đưa vài chục người sang làm ăn và thu nhập 2 đến 3 trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Tuyến đã về nước được 8 năm, nhờ số vốn tích lũy được, anh mở xưởng mộc lớn ở trong vùng và thu hút được nhiều lao động ở địa phương đến làm việc. 

Ngoài anh Tuyến, ở Minh Tân còn có hàng trăm gia đình khác có người đi xuất khẩu lao động. Chủ yếu là đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaxia, Đài Loan, đảo Síp, thậm chí đi Nga, đi Séc....Gia đình chị Phạm Thị Phương và anh Hoàng Văn Diễm hiện có 8 người đang  làm việc tại Hàn Quốc và Đài Loan, con cái để ông bà nuôi dạy. Bản thân chị Phương cũng từng đi xuất khẩu lao động, năm 2015, chị về và sinh thêm một em bé nên ở nhà luôn từ đó.  

                                                    Gia đình anh Diễm, chị Phương hiện có 8 người đang đi làm việc ở nước ngoài

Anh Diễm cho biết, " nhà tôi con trai, con dâu và các cháu đều đi xuất khẩu lao động, bình quân một tháng, gửi về nhà cho 2 vợ chồng anh chị giữ hộ khoảng 5 đến 6  nghìn đôla Mỹ, lĩnh về lại đi gửi ngân hàng ngay cho các con, nếu không đi xuất khẩu lao động thì làm sao có tiền mà xây nhà và cuộc sống ổn định như thế này"  

Khi thị trường lao động Hàn Quốc và Nhật Bản gặp khó khăn, nhiều hộ dân ở Minh Tân lại cho con em đi lao động ở Đài Loan, Mã Lai, hay đi giúp việc ở đảo Síp....Tuy thu nhập không cao như các thị trường truyền thống, song cũng rất ổn định. Anh Hoàng Văn Khanh có hai con trai đều  đi làm việc tại Đài Loan, người con trai thư 2 mới đi, chưa quen việc, nên  lương chỉ 7 triệu đồng một tháng. Buổi tối con anh thường tìm việc làm thêm  ở ngoài, đi sơn nhà để kiếm thêm tiền trang trải. 
Và những hệ quả. 
Theo ông Hoàng Văn Luân, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân, toàn xã hiện có 190 người đi xuất khẩu lao động, thời điểm cao như các năm 2010, 2011 ở xã có 320 người đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây chủ yếu là nam, nhưng bây giờ chị em phụ nữ đi cũng nhiều. Sang đó, làm đủ nghề từ may thêu,  lắp ráp điện tử, mộc, xây dựng, đánh bắt cá....Nói chung là vất vả, song nhờ lực lượng  này gửi tiền về, mà mặt bằng kinh tế của xã khá hẳn lên. Số hộ giầu và khá chiếm hơn 80%. Nếu chỉ làm nông nghiệp, hoặc tiểu thủ công nghiệp thì không thể có thu nhập bình quân đầu người một năm 40 triệu được. Vì vậy mà thu nhập bình quân đầu người của xã 51 triệu/năm  có sự đóng góp rất lớn từ nguồn kiều hối mà các lao động đang làm việc ở nước ngoài gửi về. 
 
 
 
Nhiều gia đình ở Minh Tân giầu lên nhờ xuất khẩu lao động
 
Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Minh Tân, phong trào xuất khẩu lao động cũng để lại nhiều hệ lụy. Thứ nhất là đa số lao động đi làm việc ở Hàn Quốc và Nhật bản đều không về đúng thời hạn, bỏ ra ngoài làm, không thực hiện cam kết với đơn vị môi giới, dẫn đến năm 2013 và 2014, thị trường Hàn Quốc đã không cho người dân xã Minh Tân đi làm việc bên nước họ nữa.
Thứ hai, là có gia đình vợ đi làm việc vất vả ở nước ngoài, dành dụm gửi tiền về gia đình, nhưng chồng ở nhà lại " mỏng làm, dày ăn" không tu chí, hay chơi cờ bạc, thậm chí còn trai gái, nên vợ không yên tâm làm việc bên đó, lúc về cũng chẳng để ra được bao nhiêu. Thậm chí, có gia đình sau khi đi xuất khẩu lao động về thì vợ chồng lục đục, dẫn đến ly dị nhau. 
Thứ ba, là nhiều hộ hai vợ chồng đi làm việc ở nước ngoài quá lâu, con cái gửi hết cho ông bà hoặc anh em nuôi hộ, dẫn đến không quản lý được, chểnh mảng việc học hành. Có gia đình, bố mẹ  thương và chiều con hay gửi điện thoại, máy tính xách tay, Ipad về cho các con, trong khi chúng còn nhỏ, nên mải chơi game, mà sao nhãng các công việc khác.
Để hạn chế những hệ lụy này, xã cũng đã nhiều lần đi vận động các gia đình có con em trốn ra ngoài làm thì tự giác về để không ảnh hướng đến phong trào chung. Đồng thời các ban, ngành đoàn thể cũng thường xuyên quan tâm, phối hợp với các gia đình có bố mẹ đi lao động lâu năm để quản lý giáo dục, không để chúng hư hỏng. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự cũng bảo đảm tốt, không để xảy ra tình trạng như một số địa phương khác, khi kinh tế phát triển, người dân có tiền, dẫn đến tệ nạn cờ bạc, nghiện hút...
Bá Phước
 
 
 

 

Tin cùng chuyên mục

  • Đảm bảo an toàn giao thông phục vụ đi lại người dân dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5

    Đảm bảo an toàn giao thông phục vụ đi lại người dân dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5

     1 ngày trước

  • Chiến sỹ Điện Biên Phủ truyền lửa chí khí và tinh thần quyết thắng cho con cháu

    Chiến sỹ Điện Biên Phủ truyền lửa chí khí và tinh thần quyết thắng cho con cháu

     1 ngày trước

  • Vận hành đường dây xuất tuyến Trạm 110KV Phố Cao – Hưng Hà

    Vận hành đường dây xuất tuyến Trạm 110KV Phố Cao – Hưng Hà

     2 ngày trước

  • Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri huyện Yên Mỹ

    Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri huyện Yên Mỹ

     2 ngày trước

  •  Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri huyện Văn Lâm và Văn Giang

    Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri huyện Văn Lâm và Văn Giang

     2 ngày trước