Hưng Yên tích cực phối hợp phát triển liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Thứ 3, 25.06.2019 | 20:18:22

Sáng 25/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng, hoàn thành các mục tiêu phát triển của một trong số các vùng kinh tế năng động nhất cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải,  Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ và Chủ tịch UNBD thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có gần 400 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên cùng nhiều chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhiều hiệp hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, trường đại học và cơ quan thông tấn báo chí. 

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh VTV

Cần đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có lợi thế hơn hẳn các vùng kinh tế khác. Nhất là hạ tầng có sự chuyển biến quan trọng, tạo sự lợi thế cho các lĩnh vực khác. GDP bình quân đầu người gấp 1,85 lần so với bình quân chung cả nước. Đặc biệt, 7/7 tỉnh, thành phố trong vùng đều có điều tiết ngân sách về Trung ương. Gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn nghèo đa chiều. 

Tuy vậy, các tồn tại, hạn chế của vùng là năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động còn hạn chế. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng còn hình thức, chưa thực chất; cơ chế chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được vấn đề chung như xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường... 

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất đổi mới cơ chế chính sách về đầu tư, đất đai, khoa học công nghệ; đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng như: thành lập Tổ điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Ban chỉ đạo Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm...

Năm 2014, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật cả nước, là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế. 

Đến nay, quy mô kinh tế vùng đứng thứ 2 cả nước với gần 32% GDP. Mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.500 USD, tỷ lệ đô thị hóa từ 50-57%.  

Hưng Yên tích cực phát triển liên kết vùng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng phát biểu tham luận tại hội nghị 

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng nhấn mạnh tỉnh Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong các hoạt động điều phối, phát triển liên kết vùng và đạt được kết quả nổi bật.

Hưng Yên đã ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác với thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng, tạo đất sạch cho các doanh nghiệp, dành đất cho phát triển đô thị Hà Nội di dời về Hưng Yên.

Hưng Yên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, cây hoa, cây cảnh an toàn, chất lượng cao cho vùng, nhất là cho thủ đô. Hỗ trợ đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng.

Tích cực phối hợp thực hiện liên kết, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cán bộ y tế; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh. Thực hiện có hiệu quả trong liên kết đào tạo đại học, đào tạo nguồn nhân lực.

Để Hưng Yên phát triển mạnh thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng mong muốn Trung ương hỗ trợ tạo điều kiện cho Hà Nội, Hưng Yên triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 và cầu vượt Ngọc Hồi.

Cho phép thi công giai đoạn 2 dự án đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ nguồn vốn dư của dự án cầu Hưng Hà, do đường mới thông xe có 6 tháng nhưng mật độ xe đã vượt thiết kế 5 lần.

Các ý kiến khác tại hội nghị cũng đề xuất cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân" của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. 

Một số ý kiến đề cập đến đổi mới thể chế điều hành, mô hình vùng để phát huy hiệu quả liên kết, tối ưu các lợi thế, tiềm năng phát triển.

Tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước

Lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và các đại biểu dự hội nghị 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong bức tranh kinh tế chung của cả nước. Nhiều cách làm tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ rất đáng để nơi khác học tập.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, có những địa phương trong vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đó là chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, công nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng chưa cao. Nguồn thu tăng, nhưng thu nội địa không cao. Nông nghiệp tuy còn ít, nhưng vẫn manh mún. Ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ở một số địa phương.

Để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước.

Về định hướng phát triển cần xác định ngành nghề trụ cột ưu tiên, quy hoạch phân bổ không gian phù hợp hơn. Danh mục dự án hạ tầng liên kết vùng, cả nội vùng và kết cấu ngoại vùng cần làm rõ hơn.

Cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn.

Vùng cần làm rõ hơn đột phá về tăng trưởng xanh như công nghệ cao, môi trường tốt, “vùng có phải đi đầu trong việc không có rác thải nhựa hay không?”. Thủ tướng hoan nghênh việc hội nghị sử dụng chai nước thủy tinh thay cho chai nhựa.

Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tham quan các gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu

Trước đó, trước khi vào hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã thăm một số gian hàng tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên được trưng bày tại Trung tâm hội nghị tỉnh.

Bá Phước 

Tin cùng chuyên mục